Hosting là gì? Các loại Hosting và cách chọn Hosting phù hợp là phần đầu tiên của Series A-ZHướng Dẫn Sử dụng Hosting cho Newbies của VHW.
Chúng ta sẽ tìm hiểu những thông tin cần thiết trước khi chọn một gói Hosting chất lượng và phù hợp với nhu cầu của mình.
Hosting là gì?
Hosting là dịch vụ lưu trữ các trang web trên máy chủ kết nối Internet
Hosting gồm nhiều loại, như Shared Hosting, máy chủ ảo VPS và máy chủ vật lý Dedicated Server
Đa số thường hiểu nhầm Hosting là loại Shared Hosting mà rất nhiều người sử dụng vì đây là loại hosting giá rẻ – dễ dàng quản lý và bạn thường nhận được support từ nhà cung cấp dịch vụ shared hosting.
Không phải ai cũng có thể nắm hết các thuật ngữ liên quan và đặc biệt cách chọn hosting nào thích hợp với nhu cầu của một website cụ thể.
Mục lục bài viết
-
- Hosting là gì?
- A CÁC LOẠI HOSTING PHỔ BIẾN
- 1-Dedicated Server – Máy chủ vật lý
- 2-Virtual Private Server (VPS) – Máy chủ ảo
- OpenVZ VPS – VPS dùng công nghệ ảo hóa OpenVZ
- KVM VPS – VPS dùng công nghệ ảo hóa KVM
- 3- Shared Hosting – Hosting dùng chung
- Shared Hosting là gì?
- Các loại Shared Hosting
- 4-Một vài kiểu phân loại khác
- Managed VPS – VPS cao cấp
- Reseller Hosting – Hosting bán lại
- WordPress Hosting – Tối ưu cho WordPress
- eCommerce Hosting – Hosting cho Web bán hàng
- SEO Hosting – Hosting cho SEO Campaign
- 5-Cloud Server – Cloud Hosting
- B CÁCH CHỌN HOSTING PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU
- Các yếu tố cần xem xét khi mua Hosting
- 1-Websites của bạn cần bao nhiêu tài nguyên máy chủ ?
- 2-Khách truy cập vào websites của bạn đa phần ở khu vực nào?
- 3-Bạn có kiến thức cơ bản về sử dụng Hosting không?
- 4-Dữ liệu trên website của bạn có thuộc loại bảo mật cao không?
- 5-Chi phí dành cho Hosting của bạn là bao nhiêu?
- Khi nào chọn Shared Hosting ?
- Khi nào chọn VPS ?
- Khi nào chọn thuê máy chủ vật lý Dedicated Server ?
- Các yếu tố cần xem xét khi mua Hosting
Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu các loại hosting thông dụng nhất trên thị trường:
A CÁC LOẠI HOSTING PHỔ BIẾN
Khi mua hosting – thực chất là bạn thuê tài nguyên phần cứng của máy chủ (Servers)…tùy thuộc vào việc bạn thuê bao nhiêu tài nguyên mà người ta sẽ đưa ra các loại hosting phù hợp.
1-Dedicated Server – Máy chủ vật lý
Đây là loại hosting mạnh nhất, bạn sẽ thuê nguyên một máy chủ vật lý, và bên cung cấp dịch vụ sẽ cung cấp nơi đặt máy chủ, đường truyền internet để bạn toàn quyền sử dụng máy chủ này để cài đặt mọi thứ từ hệ điều hành, ứng dụng, websites…
Tất nhiên Dedicated Server đắt giá nhất so với các loại hosting khác, nhưng bù lại bạn sẽ được sử dụng hoàn toàn phần cứng của máy chủ, bảo mật được dữ liệu trên đó.
2-Virtual Private Server (VPS) – Máy chủ ảo
Máy chủ ảo VPS thực chất là một phần tài nguyên của máy chủ vật lý, nhờ dùng công nghệ ảo hóa phần cứng, người ta sẽ cài các máy ảo trên máy chủ vật lý và cho bạn thuê các máy ảo này để lưu trữ, cài đặt các ứng dụng, websites …trên máy ảo.
Dựa vào mức độ ảo hóa phần cứng, có 2 loại VPS đáng chú ý :
OpenVZ VPS – VPS dùng công nghệ ảo hóa OpenVZ
OpenVZ là công nghệ ảo hóa “phần mềm”, các gói VPS trên máy chủ vật lý sẽ sử dụng chung một nhân Linux, nhưng ở trạng thái riêng, các gói VPS cũng san sẻ bộ nhớ và thực tế hiệu suất hoạt động sẽ bị ảnh hưởng qua lại.
Vì công nghệ OpenVZ ít tốn kém nên giá thường rẻ hơn so với VPS ảo hóa KVM, và công nghệ OpenVZ chỉ dùng cho hệ điều hành nhân Linux.
Ví dụ Cloud VPS của AZDIGI hiện nay là OpenVZ – với máy chủ ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để tối ưu hiện năng các gói VPS.
Các dịch vụ VPS dùng OpenVZ nổi tiếng chất lượng tốt là Ramnode, GreenCloudVPS hay một dịch vụ VPS giá rẻ được nhiều người VN tin dùng là HostUS.
KVM VPS – VPS dùng công nghệ ảo hóa KVM
KVM là công nghệ ảo hóa mới, cho phép ảo hóa từ phần cứng…
Các gói VPS KVM tuy chạy trên cùng máy chủ vật lý nhưng được sử dụng phần tài nguyên riêng biệt, không san sẻ với nhau.
Vì sử dụng nhân riêng nên KVM VPS có thể chạy cả Linux lẫn Windows. Công nghệ KVM đòi hỏi máy chủ vật lý phải mạnh mẽ nên giá sẽ cao hơn OpenVZ khá nhiều.
Một loại VPS ảo hóa tương tự là XEN, đôi lúc bạn sẽ thấy một số nhà cung cấp VPS dùng thuật ngữ này.
Những dịch vụ VPS giá rẻ chất lượng cao nổi tiếng – được người dùng VN và thế giới tin tưởng trong thời gian dài là Vultr, DigitalOcean, Linode, OVH và Dediserve.
Như VHW đang chạy trên VPS Linode gói 2 GB RAM, blog nổi tiếng Canh Me đang chạy trên VPS Vultr gói 4GB RAM, hay blog Thạch Phạm trước đây chạy trên DigitalOcean!
Tham khảo: Các loại ảo hóa VPS, Ưu và nhược điểm
Shared Hosting hay Hosting giá rẻ thực chất là một phần nhỏ của VPS hay Dedicated Server, người ta sẽ cài các hệ điều hành (Linux hoặc Windows) và cài đặt sẵn các ứng dụng trên đó (như Web Server, MySQL, PHP…) để bạn upload và chạy các websites.
Shared Hosting thường chia ra 2 loại dựa vào hệ điều hành cài trên máy chủ:
Linux Hosting
đây là loại shared hosting dùng hệ điều hành nhân Linux, vì hệ điều hành nhân Linux hoạt động nhanh, nhẹ và bảo mật tốt và hoàn toàn miễn phí nên đa phần các dịch vụ Shared Hosting đều là Linux Hosting.
Vì các hệ điều hành nhân Linux hoạt động dựa trên giao diện dòng lệnh (CLI- Command Line Interface) nên các dịch vụ Shared Hosting thường cài sẵn ứng dụng cPanel để bạn dễ dàng cài đặt và quản lý trên giao diện đồ họa.
Một số dịch vụ Shared Hosting giá rẻ còn dùng một Control Panel khác là DA – DirectAdmin, nó ít chiếm tài nguyên khi hoạt động nhưng khó dùng cho người ít kinh nghiệm.
Đối với các dịch vụ Shared Hosting cao cấp – dạng Managed Hosting như Kinsta, SiteGround hay WordPress VIP, họ dùng các Control Panel được phát triển riêng để tối ưu mức cao nhất hiệu năng và tốc độ của Hosting.
Windows Hosting
Như cái tên, shared hosting này cài hệ điều hành Windows Server!
Vì hệ điều hành Windows nặng nề và tốn tài nguyên nên Windows Hosting chỉ được dùng phổ biến để chạy các ứng dụng hoạt động trên Windows mà không thể cài trên Linux như các websites, ứng dụng dùng ngôn ngữ lập trình .NET, cơ sở dữ liệu MS SQL Server, MS Access…
Windows Hosting dùng Control Panel nổi tiếng Plesk để quản lý, tương tự cPanel trên Linux.
4-Một vài kiểu phân loại khác
Ngoài cách phân loại theo tài nguyên máy chủ, hệ điều hành, dựa vào các nhu cầu thực tế trên thị trường người ta còn có một số thuật ngữ khác dành cho Hosting:
Managed VPS – VPS cao cấp
cũng là VPS thông thường nhưng việc quản lý, cài đặt và hỗ trợ các vấn đề kỹ thuật phần mềm sẽ do đội ngũ support của nhà cung cấp VPS lo cho bạn.
Loại dịch vụ này đắt hơn khá nhiều so với Unmanaged VPS và nó thích hợp cho những người có nhu cầu dùng VPS nhưng không có thời gian hay kiến thức về cài đặt, quản lý và sử dụng VPS.
Unmanaged VPS – VPS giá rẻ
Là VPS thông thường và bạn chỉ được support về các khoản đăng ký, thanh toán, hay khi máy chủ gặp sự cố.
Các vấn đề cài đặt, tùy chỉnh, quản lý VPS bạn sẽ tự làm chứ không được support (dù mỗi nhà cung cấp đều có tài liệu hướng dẫn khá đầy đủ để bạn tự làm).
VPS loại này chỉ đắt hơn shared hosting một xíu nhưng sức mạnh thì hơn shared hosting rất nhiều…nó rất tuyệt cho những người có kiến thức về VPS.
Reseller Hosting – Hosting bán lại
Đây là loại Shared Hosting có tài nguyên lớn, mục đích là để bạn có thể chia ra nhiều gói shared hosting nhỏ hơn để bán lại (Reselling) cho khách hàng và kiếm tiền chênh lệch.
Một gói Reseller Hosting thường có thể chia được trên dưới 10 gói shared hosting nhỏ (tham khảo tại HawkHost)
WordPress Hosting – Tối ưu cho WordPress
WordPress bùng nổ quá mạnh mẽ (chiếm hơn 30% số websites toàn cầu) nên việc cung cấp các gói Shared Hosting được cài đặt, tối ưu sẵn cho mã nguồn WordPress trở thành chiến lượt kinh doanh mới của các nhà cung cấp.
Đây thực chất là Linux Hosting được cài đặt và tùy biến để hỗ trợ tốt nhất cho mã nguồn WordPress (tham khảo DreamHost)
eCommerce Hosting – Hosting cho Web bán hàng
Thuật ngữ này chỉ các gói Shared Hosting được tối ưu để chạy các trang web, ứng dụng bán hàng eCommerce Hosting thường mạnh mẽ và bảo mật tốt để đảm bảo các mã nguồn eCommerce (như Magento) hoạt động mượt mà và giữ an toàn thông tin khách hàng.
SEO Hosting – Hosting cho SEO Campaign
Cũng là Shared Hosting nhưng được tối ưu cho hệ thống site vệ tinh, được chạy nhiều websites và mỗi websites sẽ có một IP riêng để phục vụ cho SEO.
Việc dùng IP riêng là một phương pháp chiến lượt trong SEO GreyHat – gọi là PBN – Private Blog Network – nôm na là xây dựng hệ thống site vệ tinh để đặt backlinks của một site chính (money site).
Dùng IP riêng giúp qua mặt được Search Engine như Google, Bing để tránh bị phát hiện cố tình xây dựng backlinks không tự nhiên (cùng IP -> toàn bộ site vệ tinh có liên quan nhau – cùng sở hữu bởi một người).
- Tham khảo: GreyHat/ BlackHat SEO – PBN là gì?
5-Cloud Server – Cloud Hosting
Thuật ngữ Cloud ám chỉ công nghệ Cloud Computing (Điện Toán Đám Mây).
Đây là công nghệ hiện đại nhất và đang bùng nổ trong lĩnh vực điện toán toàn cầu.
Cloud Server (VPS | Shared Hosting) là loại Server Ảoáp dụng công nghệ Điện toán đám mây để quản lý và phân bố tài nguyên máy chủ, nó có những tiến bộ vượt trội so với việc quản lý và phân bố tài nguyên kiểu truyền thống.
Tham khảo – Cloud Hosting là gì? Sự thật và Quảng cáo
Đa phần các nhà cung cấp Hosting lớn trên thế giới đều đã áp dụng toàn bộ hoặc một phần công nghệ Cloud Computing và một số nhà cung cấp ít uy tín cũng dùng thuật ngữ Cloud để quảng cáo cho các dịch vụ hosting của họ, nên đừng để thuật ngữ này ám ảnh bạn khi lựa chọn hosting.
B CÁCH CHỌN HOSTING PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU
Khi chọn mua Hosting cần xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất và sự ổn định của Hosting, đảm bảo không chọn Hosting quá yếu hoặc quá thừa so với nhu cầu.
Các yếu tố cần xem xét khi mua Hosting
1-Websites của bạn cần bao nhiêu tài nguyên máy chủ ?
Để xác định tài nguyên máy chủ phù hợp với websites của mình thì bạn phải trả lời các câu hỏi sau:
- Bạn dùng mã nguồn gì, nặng hay nhẹ để xem xét số CPU, RAM của hosting.
- Số khách tới website của bạn nhiều hay ít tại một thời điểm để chọn dung lượng RAM.
- Bạn có lưu trữ nhiều dữ liệu không để chọn ổ cứng (Storage) phù hợp.
- Dữ liệu tải về / tải lên của trang web của bạn hàng tháng cao hay thấp để chọn mức băng thông (Banwidth).
- Bạn cần chạy bao nhiêu Websites trên Hosting, dùng Windows hay Linux.
2-Khách truy cập vào websites của bạn đa phần ở khu vực nào?
Mỗi website đều có đối tượng khách ưu tiên, ví dụ như đa phần khách truy cập ở VN, ở Mỹ hay Châu Âu ….Bạn phải xác định rõ để chọn những Hosting có locations (Datacenters – Nơi đặt máy chủ) đáp ứng được tốc độ tải về khu vực đó.
Ví dụ nếu khách truy cập là VN ta sẽ ưu tiên những Hosting có locations ở gần VN (như Hongkong, Singapore, Nhật Bản).
3-Bạn có kiến thức cơ bản về sử dụng Hosting không?
Đa phần các dịch vụ Hosting sẽ chỉ hỗ trợ các bạn những vấn đề chung, còn khi cài đặt, quản lý trực tiếp thì bạn phải tự tìm hiểu hoặc thuê người làm giúp.
Nếu bạn không có thời gian và cũng không có nhiều về chuyên môn thì hãy xem xét Shared Hosting vì dễ sử dụng hoặc VPS có support kỹ thuật tốt, hoặc thuê những dịch vụ kiểu Managed Hosting/VPS (thường giá cao hơn bình thường khá nhiều)
4-Dữ liệu trên website của bạn có thuộc loại bảo mật cao không?
Không có gì an toàn tuyệt đối khi đưa dữ liệu lên hosting, nếu dữ liệu của bạn thuộc loại không thể bị lộ thì tốt nhất là mua riêng máy chủ về cất nơi bạn muốn,…
Nếu không đến mức nghiêm trọng như vậy thì bạn nên chọn lựa thuê máy chủ vật lý của các nhà cung cấp uy tín vì nếu không vì lý do an ninh quốc gia hay dính tới các vụ án lớn thì các nhà cung cấp sẽ chẳng có lý do gì để động tới ổ cứng máy chủ bạn thuê.
5-Chi phí dành cho Hosting của bạn là bao nhiêu?
Chi phí là thứ trọng yếu khi mua Hosting vì đa phần chạy websites với mục đích kinh doanh, kiếm tiền nên số tiền dành cho Hosting hàng tháng của mỗi người rất khác nhau.
Vì với cùng chất lượng dịch vụ, nếu bạn tìm hiểu kỹ thì sẽ có những nơi có giá rẻ hơn nhiều so với những nơi khác, và đôi khi bạn có thể hi sinh một vài yếu tố (như support chậm, tài nguyên ít hơn một xíu, thương hiệu ít nổi tiếng….) để có thể chọn một dịch vụ Hosting chất lượng ổn và giá cả phải chăng.
Từ các yếu tố trên, chúng ta sẽ quyết định chọn gói Hosting phù hợp với nhu cầu của mình.
Shared Hosting đủ đáp ứng cho mọi websites cỡ nhỏ và trung bình, không đòi hỏi bảo mật dữ liệu cao.
Những ưu điểm của shared hosting là:
- Giá rất rẻ, ngay cả một tên tuổi nổi tiếng như SiteGround giá cũng chưa tới 100k /tháng.
- Dễ sử dụng vì mọi phần mềm đều được cài sẵn, bạn chỉ cần 30 phút để đưa trang web của mình lên. Vì có sẵn cPanel để quản lý nên bạn sẽ thao tác mọi thứ rất nhanh và dễ dàng.
- Tương thích với nhiều mã nguồn, dù bạn dùng mã nguồn gì để lập trình websites thì shared hosting hầu như sẽ đáp ứng được.
Khi nào không nên dùng shared hosting:
- Website của bạn có mã nguồn và dữ liệu nặng, như các trang bán hàng trung bình/lớn,các diễn dàn…
- Khách truy cập vào website tại một thời điểm cao, nếu cùng lúc cỡ trăm khách truy cập thì bạn nên chuyển qua VPS để đảm bảo trang web hoạt động mượt mà.
- Chạy các ứng dụng: nếu bạn muốn chạy phần mềm thì rõ ràng VPS, Dedicated Server mới đáp ứng được. Các gói Shared Hosting chạy trên cùng 1 hệ điều hành và thực chất nó là một ứng dụng chạy trên máy ảo nên không có chuyện bạn cài thêm phần mềm trên đó.
- Dữ liệu có tính bảo mật cao: khi một wesites dùng chung máy chủ bị tấn công, thì website của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng…chưa kể dữ liệu trên hosting của bạn cũng dễ dàng bị các nhân viên của dịch vụ hosting truy cập vào (tất nhiên là không hợp pháp)
Tham khảo 10 Hostings giá rẻ đáng dùng
Khi nào chọn VPS ?
Với các websites có mã nguồn nặng, dữ liệu lớn hay số người truy cập cùng lúc cao thì bạn phải dùng VPS. Ưu điểm của VPS:
- Mạnh hơn nhiều so với Shared Hosting.
- Có thể dùng để cài đặt và chạy phần mềm (tất nhiên một số phần mềm sẽ bị cấm do gây hại đến hệ thống hoặc vi phạm bảng quyền)
- Giá khá tốt, cỡ $5/tháng là bạn có ngay một gói VPS thừa sức chạy một vài trang web cỡ nhỏ hoặc trung bình.
- Khả năng tùy biến cao do bạn toàn quyền cài hệ điều hành và ứng dụng trên máy ảo VPS.
- Bảo mật cao: máy chủ ảo VPS của bạn chỉ được truy cập bằng mật khẩu user root của riêng bạn nên bảo mật cao hơn shared hosting.
Tham khảoCác dịch vụ VPS cao cấp giá rẻ nên dùng
Khi nào chọn thuê máy chủ vật lý Dedicated Server ?
Thuê Dedicated Server bạn chỉ nên nghĩ tới khi:
- Trang web nhiều người truy cập thường xuyên (như tinhte.vn, vn-zoom, vnexpress,…)
- Cần chạy các phần mềm nặng (như Game).
- Dữ liệu cần bảo mật cao, có giá trị kinh tế lớn.
- Nhu cầu băng thông không giới hạn.
- Muốn toàn quyền kiểm soát hoạt động của máy chủ vật lý.
- Có tài chính dư giả: tất nhiên nếu bạn thỏa mái với ngân sách vài chục triệu /tháng thì thuê riêng cho mình một máy chủ vật lý để thả sức tung hoành.